1. Sinh viên ngành Ngôn ngữ học học gì? Có phải là học ngoại ngữ không?
Sinh viên ngành Ngôn ngữ học khoa học về ngôn ngữ nói chung (Ngôn ngữ học), khoa học về tiếng Việt (Việt ngữ học) và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng, và các kiến thức, kĩ năng khác liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa. Ngoại ngữ không phải là ngành đào tạo chính của Khoa Ngôn ngữ học nhưng là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo của Khoa (20% thời lượng của chương trình Chuẩn quốc tế, 10% thời lượng của chương trình Chuẩn).
2. Sinh viên ngành Ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể làm những việc gì?
Sinh viên học ngành Ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể làm được rất nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là các công việc:
- Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và Việt ngữ học.
- Dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài.
- Dạy văn học và tiếng Việt ở các trường phổ thông.
- Làm biên tập viên ở các nhà xuất bản; biên tập viên và phóng viên của các cơ quan báo chí, truyền thông.
- Và nhiều công việc khác liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa ở các cơ quan văn hóa, giáo dục, hành chính và doanh nghiệp…
3. Sinh viên ngành Ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể làm việc ở đâu?
Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có thể làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau. Dưới đây là các cơ quan thường tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học đến làm việc:
- Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển và Bách khoa thư, Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, Phân viện KHXH ở Tp Hồ Chí Minh, Viện Đông Nam Á, Viện Cơ yếu…
- Khoa Ngôn ngữ học, Khoa Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam của Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội; các khoa Ngữ văn, khoa Khoa học Xã hội của các trường Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ và của nhiều trường đại học khác trong cả nước.
- Các nhà xuất bản Giáo dục, Lao động, Phụ nữ, ĐHQG Hà Nội, ĐHSP Hà Nội…
- Các cơ quan báo chí, truyền thông, như: TTXVN, Đài THVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo Nhân dân, Hà Nội mới, Lao động, Lao động – Xã hội…; các cơ quan báo chí, truyền thông khác ở trung ương và địa phương.
- Các trường cao đẳng, trung cấp, các trường PTCS và PTTH, vv.
4. Sinh viên ngành Ngôn ngữ học có thể chọn học theo chuyên ngành được không?
Chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ học không đào tạo theo chuyên ngành nhưng thiết kế các môn học cho sinh viên lựa chọn theo 5 hướng chuyên ngành là : Lý luận ngôn ngữ học, Ngôn ngữ học ứng dụng, Việt ngữ học, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Việt ngữ học cho người nước ngoài (môn học cụ thể, xem thông tin ở mục Chương trình đào tạo). Hàng năm, Khoa sẽ có hướng dẫn cụ thể cho sinh viên lựa chọn các môn học này.
5. Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học có thể tiếp nhận và tìm kiếm thông tin về đào tạo ở đâu?
Sinh viên có thể tiếp nhận và tìm kiếm thông tin về đào tạo (qui chế đào tạo, chương trình học tập, thời khóa biểu, các biểu mẫu văn bản…) thông qua các hình thức sau:
- Các thông báo (bằng văn bản hoặc truyền đạt trực tiếp) từ cố vấn học tập, trợ lí đào tạo của Khoa, Ban chủ nhiệm Khoa, Phòng Đào tạo của Trường.
- Sinh viên Ngôn ngữ học có thể tìm kiếm thêm thông tin về chuyên môn trên các trang web về ngôn ngữ học được giới thiệu ở trang web của Khoa.
6. Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học có được tham gia nghiên cứu khoa học không?
Tất cả các sinh viên đều có quyền và nghĩa vụ kết hợp học tập với tập sự nghiên cứu khoa học. Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa Ngôn ngữ học thường tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Để có báo cáo tham gia Hội nghị, sinh viên nên chủ động chọn đề tài nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn ngay từ học kì 1 (tháng 10 -11). Sinh viên nghiên cứu khoa học được hỗ trợ một phần kinh phí theo qui định của Trường. Các báo cáo có chất lượng tốt sẽ được khen thưởng và được chọn gửi đi dự thi ở các Hội nghị khoa học của sinh viên cấp cao hơn (cấp Trường, cấp ĐHQG, cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo). Các sinh viên đạt giải thưởng khoa học cấp Trường, cấp ĐHQG, cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được cộng điểm thưởng theo qui chế đào tạo.
7. Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học có được đi thực tập, thực tế không? Nếu có thì đi đâu, làm gì và thời gian bao lâu?
Sinh viên ngành Ngôn ngữ học sẽ có hai đợt thực tập thực tế trong cả khóa học:
- Năm thứ hai: Thực tập chuyên môn 1 từ 1-2 tuần (Khoa tổ chức).
- Năm thứ ba: Thực tập chuyên môn 2 từ 2-3 tuần (SV tự lập kế hoạch và thực hiện).
Ngoài ra, tuỳ tình hình thực tế và kinh phí, một số sinh viên có thể được đi thực tập hoặc tham gia các chương trình trao đổi ở nước ngoài từ 2-3 tuần đến 1 học kì.
8. Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học sẽ thi hay làm khóa luận tốt nghiệp?
Sinh viên năm thứ 4 tùy theo kết quả học tập cụ thể của từng người, có thể sẽ làm khóa luận tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp..Hàng năm, căn cứ vào điểm tổng kết của khóa học và chỉ đạo cụ thể của Trường, Khoa sẽ quyết định số lượng và mức điểm sàn của các sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp. Những sinh viên không làm khóa luận tốt nghiệp sẽ thi tốt nghiệp theo qui định của Qui chế đào tạo.
9. Hệ Chuẩn quốc tế khác với hệ chuẩn như thế nào?
Chương trình đào tạo của hệ Chuẩn và và Chuẩn quốc tế giống nhau về ngành và định hướng chuyên ngành nhưng khác nhau về thời lượng và nội dung: chương trình của hệ Chuẩn quốc tế có thời lượng (150 tín chỉ) cao hơn hệ chuẩn (130 tín chỉ), có nhiều môn học mới, đặc biệt là đối với các môn ngoại ngữ, cơ sở ngành và chuyên ngành.
Sinh viên theo học chương trình Chuẩn quốc tế cũng có nhiều chính sách ưu tiên hơn (về kinh phí đầu tư, chính sách học bổng, tuyển dụng…)
10. Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có được chuyển tiếp sinh cao học hoặc tiến sĩ không? Điều kiện để được chuyển tiếp?
Cũng như sinh viên ở các ngành học khác, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học được dự thi cao học, chuyển tiếp sinh hoặc dự thi làm nghiên cứu sinh, nếu đáp ứng đủ các điều kiện qui định. Các điều kiện để được chuyển tiếp sinh được qui định cụ thể ở Qui chế đào tạo sau đại học của ĐHQG Hà Nội (xem trang web: vnu.edu.vn).
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn