1. Chính tả là vấn đề thuộc phạm văn tự quốc gia trong sử dụng chữ viết. Chuẩn mực chính tả phải được giải quyết trên phương diện vĩ mô ( do nhà nước quản lý), trước hết cần có luật ngôn ngữ làm nền tảng. Khi chưa có luật ngôn ngữ với những nguyên tắc căn bản thì chưa thể có chính tả thống nhất. Nước ta hiện đang trong tình trạng đó và bế tắc cũng là ở chỗ đó. Bài này là một phát ngôn trên cơ sở lý luận ngôn ngữ học.
Chữ Quốc ngữ có được cương vị thật sự chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước (cấp Quốc gia) công nhận đó là Quốc tự. Ngay cả tiếng Việt cũng chưa được ghi nhận trong hiến pháp là ngôn ngữ quốc gia ( hay chí ít là tiếng phổ thông). Do vậy, tính tự phát phổ biến trong sử dụng ngôn ngữ và chữ viết ở ta hiện nay là một tất yếu khi vắng bóng hành lang pháp lý và những chế tài điều chỉnh các hành vi.
2. Trên phương diện chuyên môn: Nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối bản ngữ (tiếng mẹ đẻ) chưa được thừa nhận. Cương vị của người bản ngữ trong dụng ngôn chưa được tôn trọng ( Người bản ngữ xưa nay luôn luôn đúng).
Một trong những ví dụ điển hình về chính tả tiếng Việt là hai chuyện: a/ Cuộc tranh cãi bất phân trong việc ghi tên riêng nước ngoài ( nhân danh, địa danh) trong tiếng Việt: Phiên âm hay để nguyên dạng? và b/ Cần viết hoa ( nhân danh, địa danh) những chữ nào?
Ở đây chỉ xin chỉ đề cập đến chuyện thứ nhất là việc ghi tên riêng tiếng nước ngoài, trước hết là trên các văn bản báo chí và truyền thông của ta hiện nay.
3. Từ nhiều năm nay, nhất là từ khi có công cuộc Đổi mới mà một nội dung quan trọng là hội nhập quốc tế thì vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ cũng trở nên tất yếu và có tính thời sự, liên quan đến đời sống giao tiếp hàng ngày của chúng ta. Gần tám trăm tờ báo, hàng chục kênh truyền hình và phát thanh liên tục đưa các loại hình thông tin đến khán giả và bạn đọc. Trong tình huống ấy, một khi nước ta chưa có luật ngôn ngữ, thì mỗi chủ thể truyền thông đều tự tung, tự tác theo ý chí riêng của mình, bất có sự can thiệp nào. Diện mạo tên riêng nước ngoài trong báo chí truyền thông tiếng Việt hiện nay, cũng theo đó, mà tha hồ tự phát chỉ cần ông Tổng biên tập ” OK “là được. Nội một tên riêng nước ngoài cũng đã có mấy cách đọc, cách viết. Mươi năm gần đây nổi lên khuynh hướng cứ để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt ( được hiểu là không phiên âm, cũng không chuyển tự) mà hướng này lại có mặt trên nhiều tờ báo có đông bạn đọc. Tự nhiên xu hướng này dần lấn át và cứ như đã giành được lẽ phải trong hướng dẫn xã hội: Không cần phiên chuyển sang tiếng Việt, phiên chuyển là vô ích, vô bổ, vô duyên (!). Lý do chính thường được dẫn ra biện minh cho việc để nguyên dạng các tên riêng ( mà chủ yếu là tiếng Anh ) đại loại là:
a)Tiếng Anh nay là ngoại ngữ phổ dụng quốc tế, nước ta nay có nhiều người biết tiếng Anh rồi, và sẽ còn nhiều người biết nữa. Để nguyên dạng tên riêng thì đọc mới gần với nguyên ngữ, mới dễ hiểu nhau, mới thuận lợi cho hội nhập quốc tế được. Vả lại, đọc theo nguyên ngữ ( nhờ để nguyên dạng) nay cũng đã hình thành thói quen xã hội.
b)Phiên chuyển (đọc, viết tên riêng nước ngoài theo lối ta) vừa xa lạ, vừa quê mùa vừa cổ hủ, không thể quay lại thời đã qua trong quá khứ. Việc một số tờ báo chính thống nay vẫn kiên trì theo đuổi lối phiên chuyển là đại diện cho tư duy bảo thủ và lạc hậu (!).
c)Để nguyên dạng còn tiết kiệm cho xử lý kỹ thuật, đỡ tốn thì giờ, tiền bạc, giấy bút,…
Còn có thể kể ra những lối biện luận khác nữa cho việc để nguyên dạng, không phiên chuyển sang tiếng Việt.
4. Là người làm lý luận ngôn ngữ học và Việt ngữ, chúng tôi tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng thấy chủ trương để nguyên dạng là không hợp lý, cần thiết trở về gốc của vấn đề cả trên hai bình diện cả ngôn ngữ và văn hóa. Xin có đôi lời bàn lạm bàn:
Việc để nguyên dạng thức văn tự tên riêng (chủ yếu là các nhân danh, địa danh tiếng châu Âu viết theo chữ Roman, đặc biệt là tiếng Anh hiện nay) chính là ngược lại xu hướng đó, là trái với nguyên lý: Bản ngữ trên hết và trước hết.
6. Lập luận Tiếng Anh nay là ngoại ngữ phổ dụng quốc tế, để nguyên dạng tên riêng thì mới gần với cách đọc nguyên ngữ, mới dễ hiểu nhau, mới thuận lợi cho tiếp xúc quốc tế. Đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc về hội nhập. Để hội nhập thì cần tăng cường ngoại ngữ, khi dùng ngoại ngữ thì phải cố gắng tối đa phát âm theo bản ngữ của người ta. Còn khi ta nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt mà lại ưu tiên cho việc nhất nhất phải giống người ta là hy sinh tiếng mẹ đẻ và lợi ích của người bản ngữ. Người bản ngữ không bao giờ hy sinh lợi ích này. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây ban nha đều có chung tự mấu Roman (Latin), nhưng không có ngôn ngữ nào để nguyên dạng tên riêng của tiếng khác ( Hãy so sánh California và Californie, Genève và Geneva,…). Trường hợp Canada là một ví dụ sinh động khác: Cộng đồng tiếng Pháp và cộng đồng tiếng Anh ở nước này bảo lưu không nhân nhượng nhau bất cứ phát âm và ghi chép tên riêng nào tuy trong cùng một quốc gia, một lãnh thổ)
7. Lập luận để nguyên dạng tên riêng nước ngoài vì nay nó đã thành thói quen xã hội trong văn hoá đọc (!) cũng không có cơ sở. Thói quen xã hội của ngôn ngữ phải được hiểu là thói quen của toàn thể cộng đồng trong dụng ngôn. Cộng đồng Việt ngữ nay có gần chín chục triệu người. Số người biết ngoại ngữ tuy đã có tăng lên nhưng so với toàn dân thì vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ giới hạn trong một bộ phận giới lao động trí óc, thanh thiếu niên và cư dân đô thị ( cả thảy hơn 20% dân số),… ngay cả những người biết chút ít ngoại ngữ thì việc để nguyên dạng cũng mới chỉ giúp người ta nhận dạng bằng mắt cứ chưa hẳn phát âm đúng được.
Những báo nào để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong những bài viết thực ra người ta mới chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ của bộ phận tối thiểu đã quên đi lợi ích tối đa. Bà con cô bác của chúng ta ( 75 % dân số là ít nhất) rất khó khăn khi đọc những tờ báo để nguyên dạng, nhất là những tờ báo cực đoan: Để nguyên dạng tên các cuốn phim, tên bài hát, tên các sự kiện văn hóa thể thao, âm nhạc không thèm dịch ra tiếng Việt.
8. Lập luận của những người chê bai chủ trương phiên chuyển cho rằng đó là làm như vậy ( phiên âm) là đọc theo lối ta vừa xa lạ, vừa méo mó, vừa quê mùa, vừa cổ hủ, đó chỉ là chuyện trong quá khứ. Theo đó, lập luận cũng cho rằng một số tờ báo chính thống ở ta nay vẫn theo đuổi lối phiên chuyển là đại diện cho tư duy bảo thủ này. Cách hiểu này vừa không có cơ sở khoa học, vừa lệch chuẩn văn hóa. Ngôn ngữ là những thói quen được xã hội cố định hóa thành thiết chế theo nguyên tắc “ người ta đi mãi thì thành đường thôi” ( Lỗ Tấn), con đường dụng ngôn là do cộng đồng ( đa số) tạo ra theo nhu cầu và cách thức của người bản ngữ ( trước lạ, sau quen). Một thời, các tên riêng ở ta được phiên âm qua Hán Việt, sau đó là phiên âm theo tiếng Pháp, rồi nay thì phiên âm ưu tiên theo nguyên ngữ ( nguyên gốc). Lúc đầu chưa quen, khí xa lạ, dần rồi thấy ổn ( Si li/ Chi lê, Brê din/ Bra xin, Ác giăng tin/ Ác hen ti na,…). Việc cho rằng để nguyên dạng là sang trọng, hiện đại,… là biểu hiện tâm lý thiếu tự tin, sùng ngoại, thích thể hiện chính là một biểu hiện của lệch chuẩn văn hóa.
Chủ trương để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong lối ghi chép ngôn ngữ mẹ đẻ ( bản ngữ) dường như nay chỉ thấy ở nước ta chứ chưa thấy có ở tiếng nào khác ( ngay cả các nước dùng chữ Roman). Tiếng ta không thể là một ngoại lệ khi hội nhập với thế giới.
10. Khía cạnh thứ hai: Cơ sở ngôn ngữ học nào cho việc việc phiên chuyển sang tiếng Việt ?
Khi nói người bản ngữ là tuyệt đối đúng trong dụng ngôn thì cũng cần xem trên phương diện ngôn ngữ cái gì đã có ảnh hưởng quyết định tới họ. Chúng tôi muốn nói tới chất liệu ngôn ngữ, tức tính chất loại hình. Sở dĩ có vấn đề khó khăn hơn với người Việt khi để nguyên ngữ, không phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài ( nhất là tiếng Châu Âu) chính là vấn đề này. Các ngôn ngữ châu Âu tuyệt đại bộ phận thuộc về ngôn ngữ biến tố đa tổng hợp. Từ là đơn vị trung tâm, cho sẵn thường do một tập hợp âm tiết liên kết chặt tạo thành nguyên khối. Đường dây bắt chéo giữa các hình vị và âm tiết tạo ra nguyên khối này. Người Việt rất khó phát âm cả cái nguyên khối đó một cách tự nhiên và hầu như không có cơ hội “ nội địa hóa cả cục” được trong khi họ nói một thứ tiếng rất khác: Ngôn ngữ đơn lập phân tiết tính. Cái ngôn ngữ học nói hàng ngày này khác hẳn với ngôn ngữ biến tố: thói quen tách rời từng âm tiết theo mỗi thanh điệu làm cho ranh giới của từ bị nhòe đi và thay thế vào đó là sự tách bạch của các âm tiết trong cái đơn vị lưỡng diện gọi là “ tiếng”. Vấn đề cương vị ngôn ngữ học của tiếng trong tiếng Việt đã được Đông phương học và các nhà Việt ngữ học trứ danh như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo,… nói tới, ở đây xin không nhắc lại. Chỉ có điều, do đặc điểm vô cùng quan trọng trên mà người bản ngữ tiếng Việt, trong khi nội địa hóa các từ nước ngoài đã tự động đập vỡ cái nguyên khối ( từ) thành các tiếng đơn và “từ hóa” chúng. Một minh chứng là người ta không những chỉ đọc rời từng âm tiết mà còn tìm cách biến đổi cấu trúc từ nữa, ví như rút gọn ( nhất là song tiết, ví dụ: Ca li, Bác xa,… hay đơn tiết, ví dụ: Len, Mát, Bun, Hung,…). Lối phát âm tách rời và cũng tách trên chữ viết gây cảm giác là không còn gần nguyên ngữ nưã, khiến cho người ta ngộ nhận là làm méo mó nguyên ngữ khi phiên âm và theo đó, dùng theo lối phiên âm sẽ như là có tính chất quê mùa, dân dã, thậm chí…ít học. Tâm lý đó vào thời kỳ chuyển đổi, ngoại ngữ lên ngôi không phải là không có ảnh hưởng tới đám đông công chúng. Tuy nhiên, nhìn một cách bình tĩnh trong hệ thống thì hệ thống phiên âm theo bản ngữ là đúng đắn nhất với tư duy người bản ngữ và cách dụng ngôn của họ với cái nhìn của toàn cộng đồng.
11. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc phiên chuyển sang tiếng Việt nay là một vấn đề rất nhiêu khê, khó thống nhất trong cách làm và đa giải pháp. Bức tranh phiên âm hiện thời làm rối lòng người, gây khó cho việc đào tạo và sử dụng tiếng Việt. Thực tế là rất nan giải và đáng nản (!) Bày này chỉ xin bàn về cái gốc, về xuất phát điểm. Giải pháp nào là hợp lý cho phiên âm? Tình hình phiên âm hiện nay khá phức tạp và đa dạng còn phải có rất nhiều tiếng nói để đi đến thống nhất. Trên phương diện vĩ mô, nay rất cần một luật về ngôn ngữ và một cơ quan đầu mối cho chuyện này.
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn