Khi Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn vừa mất, tưởng nhớ Thày, tôi đã ước ao viết rằng : mùa hè năm nay rất có thể tôi sẽ quay lại Moskva để tới thăm Cô Nonna Vladimirovna (Stankevich)...
Vâng, và thật là may, có cơ duyên để cái điều tâm nguyện ấy của tôi biến thành hiện thực !
Ngày 12 tháng 6, tôi bay sang Moskva, một chuyến công du 02 tuần về đề tài hợp tác song phương Đại từ điển Việt-Nga.
Khoảng 3-4 ngày đầu, tôi chưa thể liên hệ điện thoại với Cô Nonna, lý do là vì tôi còn phải làm việc với ông Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học V.A. Vinogradov. Và, hơn nữa, tôi cũng có ý chờ chị Ira Samarina đang đi vắng sẽ kịp trở về để đi cùng. Chúng tôi đã có hẹn trước chuyện này.
Rồi chúng tôi gặp nhau ở Viện, và cùng gọi điện cho Cô Nonna. Thật bất ngờ khi nghe Cô thông báo :
- Chiều nay, tôi sẽ đi Peterbourg. Các con tôi đã mua vé rồi, không thay đổi được. Tôi rất tiếc !
Tôi sững sờ:
- Ôi, thế ạ ! Nhưng ... em có mang tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư số mới, là số chuyên đề Hội thảo tưởng niệm Thày... và chút quà sang cho Cô nữa ạ !. Em cũng muốn đến ...nhà thăm Cô ạ !
Cô Nonna im lặng một hai giây, rồi lại nhỏ nhẹ, trìu mến :
- Cám ơn anh Thắng. Tôi rất tiếc... Anh chotôi chào tất cả và cám ơn mọi người ! Còn tạp chí và quà thì anh cứ gửi lại chị Ira cho tôi. Cám ơn anh!
Tôi lúng túng ;
- Dạ, vâng ạ ! ... Em chúc Cô đi vui khỏe ạ !
Chị Ira nhìn tôi, thông cảm. Hai chúng tôi ngồi im...
Hai ngày sau, khoảng 12 giờ chị Ira bỗng gọi điện cho tôi bảo : Nonna Vladimirovna hoãn đi St. Peterbourg rồi, và muốn gặp anh. Chiều nay, khoảng 5-6 giờ, nhưng chỉ gặp được một lát thôi. Tôi hiểu, có lẽ Cô không được khỏe !
Ba người chúng tôi (lần này có vợ tôi đi cùng), một lần nữa, quay lại khu nhà chung cư gần bến tàu điện ngầm NovoCheryomushky. Những luống hoa mùa hạ ngay ở ô đất nhỏ trước cửa lối vào chung cư của Thày Cô như chào đón chúng tôi, những cánh hoa rực rỡ và mong manh...
Mở cửa cho chúng tôi là cháu trai của Thày Cô, con của Việt, đang ở cùng Cô. Rồi tôi nhìn thấy Cô Nonna... Tôi không biết diễn tả thế nào... một quả phụ mặc bộ đồ màu đen, người cao gày, vẻ mệt mỏi và khuôn mặt có phần hốc hác... Duy cặp mắt vẫn vậy, và nụ cười nữa – chúng ấm áp, nhân từ và hiền dịu biết bao...
Cô chào, nắm tay và ôm lấy từng người chúng tôi.
Mọi khi, tôi thường ngồi ở bếp, cũng là phòng ăn, trò chuyện thân tình với Thày Cô. Hoặc có khi là ở phòng Thày làm việc, nếu tôi và Thày bàn công chuyện. Lần này, Cô Nonna mời chúng tôi vào một phòng khác.
Cô hỏi thăm tôi sang đây làm gì, định đi những đâu. Nghe tôi nói vợ chồng tôi định đi St. Peterbourg xem Đêm Trắng, Cô có vẻ rất vui. Cô bảo: Cô quê ở đấy và suốt đời chỉ thích ở đấy, nhưng vì theo hai con nên Cô mới về Moskva này. Nhưng ở đây Cô cũng chỉ loanh quanh ở tiểu khu này thôi, Cô không thích đi xa hơn và thậm chí thấy ghê ghê chóng mặt mỗi khi nghĩ tới những ngôi nhà mới xây rất cao tầng ở phía trung tâm Moskva. Rồi Cô giải thích: vừa rồi, các con muốn Cô đi về một vùng quê yên tĩnh ở gần St. Peterbourg để nghỉ ngơi; nơi đó là một vùng sâu vùng xa, vắng lặng, còn chưa phủ sóng điện thoại... Nhưng bây giờ thì Cô chẳng muốn đi đâu cả, Cô chỉ muốn ở lại đây, trong căn hộ này thôi.
Chúng tôi ngồi nghe, chăm chú, và xót thương. Bỗng dưng tôi thấy mình thật là may vì Cô đã chủ động dẫn dắt câu chuyện cho chúng tôi, không thì...tôi chẳng biết bắt đầu như thế nào nữa ?
Chúng tôi kín đáo nhìn nhau, rồi vợ tôi hỏi thăm sức khỏe của Cô. Cô bảo dạo này hay bị viêm họng, ho nhiều và có thể bị viêm phế quản nữa; ngủ cũng ít hơn, khó hơn (và Cô tự cười, có lẽ để làm chúng tôi yên lòng: người già thì thế thôi !).
Thấy Cô có vẻ đang bình tâm, tôi mở ba lô lấy 02 số tạp chí, giở từng trang chỉ cho Cô xem... Cuối cùng lấy hết can đảm, tôi lấy ra gói kẹo dừa-hạt điều Bến Tre và gói chè Tân Cương-Thái Nguyên. Tôi thưa:
- Kẹo này em biếu Cô ạ, còn ... chè này... em...em... biếu... Thày...
vừa nói nửa câu sau tôi bỗng bật khóc thành tiếng. Tôi cố hết sức kìm lại, vì tôi thấy Cô cũng khóc, và chị Ira , và vợ tôi...
Cô đứng dậy, đi ra khỏi phòng. Một lát sau, Cô quay lại, mang hoa quả và nước uống cho chúng tôi. Cô lại nhỏ nhẹ đưa dẫn chúng tôi, giải thích loại đào lộn hột này gần đây mới có, ăn rất ngon, và mời chúng tôi nếm thử.
Rồi Cô kể chuyện Cô nhận được rất nhiều thư điện tử, trong đó có cả của các học giả nước ngoài – mà Cô không hiểu tại sao họ biết được, hay là có ai báo cho họ ? Tôi thưa lại là cá nhân tôi có viết cho một vài người như Matisoff, Diffloth, Ferlus, Edmondson, Gregerson; và có thể anh em khác cũng viết nữa.
Rồi Cô hỏi thăm chị Ira dạo này có đi nghiên cứu điền dã các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam không ? Chị Ira nói sẽ đi và sẽ làm tiếng Mã Liềng theo một Dự án mới được duyệt. Và hai người trao đổi với nhau về phương pháp thu thập ngữ liệu ra sao cho khách quan, chính xác nhất...
Thế rồi câu chuyện giữa hai người cũng ngừng. Tôi lại kín đáo nhìn chị Ira và vợ tôi. Rồi tôi chủ động thưa với Cô rằng: chúng tôi ngồi đã lâu, sợ Cô mệt, xin để Cô nghỉ.
Và chúng tôi đứng dậy. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: hay là xin chụp ảnh với Cô, kẻo biết bao giờ... ? Nhưng nhìn Cô, thú thực tôi đã không dám phiền, tôi sợ mình bất nhã...
Dừng lại ít phút ở ngưỡng cửa, chúng tôi chúc Cô khỏe và vui vẻ khuyên Cô nên đi nghỉ hè ở St. Peterbourg như hai em Việt, Nam muốn thế, vì môi trường và khí hậu ở đó quen với Cô hơn, có thể làm Cô đỡ ốm hơn.
Cô khẽ mỉm cười:
- Có thể !
và một lần nữa Cô bảo tôi :
-Anh Thắng cho tôigửi lời chào tới tất cả và cám ơn mọi ngườinhé !
Trên đường về khách sạn, bỗng dưng tôi hỏi chị Ira :
- Ngày xưa lúc anh Lyonya - chồng chị - mất, chị thế nào ?
Chị trả lời tôi ngay lập tức, bằng tiếng Việt khá sõi :
- Mất ba năm, tôi không làm gì được. Suốt ngày chỉ thích nằm ...
Tôi nhìn lên bầu trời Moskva. Đang mùa hoa topol’ : khắp nơi bay một thứ bông tơ màu trắng mờ, dính với nhau thành từng dúm nhỏ – mà người Nga gọi là letnyi sneg (nghĩa là : tuyết rơi mùa hạ). Nghe tên thì đẹp thế, nhưng ai bị bệnh mũi họng mùa này đến khổ vì chúng.
Tôi lại nghĩ đến căn bệnh của Cô Nonna : Cô ơi, Cô mau đi nghỉ ở St. Peterbourg đi Cô !...
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn