Hưởng ứng kế hoạch số 56 KH/TNHN ngày 09/09/2009 về việc"Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và các ngày lễ lớn đến hết năm 2010" và kế hoạch số 77 KH/TNHN ngày 01/04/2010 về "Chiến dịch mùa hè thanh niên tình nguyện 2010", Đội sinh viên tình nguyện tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội của Trường ĐH KHXH & NV (tại 3 khu vực : Quận Hoàn Kiếm,Làng cổ Đường Lâm, huyện Mê Linh) đã được thành lập và hoạt động từ 19/07/2010 đến 08/08/2010.
Chuyến hành trình xanh đầy ý nghĩa trong hơn 20 ngày đã kết thúc nhưng những điều còn đọng lại trong chúng tôi về tháng ngày đẹp đẽ đó dường như còn rất đủ đầy.
1."Volunteer guide - Free "
Chương trình tình nguyện hè năm 2010 tại địa bàn phường Lý Thái Tổ của sinh viên trường ĐH KHXH&NV kéo dài trong 18 ngày,với sự tham gia của 37 sinh viên đến từ 5 khoa trong trường (Ngôn ngữ học, Quốc tế học, Đông phương, Lịch sử, Du lịch).Đội hoạt động tại khu vực trung tâm của thủ đô, chủ yếu tại 2 địa điểm: đền Ngọc Sơn và tượng đài Lý Thái Tổ - là những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Hà Nội
Sau 18 ngày tình nguyện, đội SVTN đã hướng dẫn được 546 lượt du khách, trong đó có 225 lượt khách trong nước và 321 lượt khách quốc tế.Trong 37 sinh viên đến từ các khoa, khoa Ngôn ngữ học có 4 thành viên: Nguyễn Minh Diệu, Ngô Thị Hải Yến, Đỗ Hoàng Quân và tôi - Bùi Ngọc Trâm.
Mỗi lần nghĩ về những ngày lóc cóc lên đền Ngọc Sơn từ sáng sớm và về nhà lúc chiều tối, trong lòng tôi lại không khỏi dậy lên những dư âm kỳ quặc khó gọi tên.
Có lẽ chỉ một từ để có thể gợi được tất cả - đó là "Nhớ".Điều đầu tiên khiến tôi nhớ về chuyến tình nguyện tại đây, đó là dòng chữ "Volunteer Guide- Free" mà mọi người cùng nhau hì hục tô tô, vẽ vẽ cả một ngày để sau đó làm thành một cái khẩu hiệu cho tất cả những vị khách du lịch đều có thể nhìn thấy."Chào bạn, chúng tôi là những tình nguyện viên đến từ trường ĐH KHXH &NV,bạn có muốn biết vài điều thú vị về bức tượng đài trước mặt bạn không ? Chúng tôi sẽ nói cho bạn biết, tất nhiên, điều này là miễn phí ".
Hi, we are volunteer guides from USSH....
Có lẽ không thể đếm được chúng tôi đã nói câu này chính xác bao nhiêu lần, đã bao nhiêu lần đứng dưới trời nắng chang chang, chói gắt và kiên nhẫn giải thích cho những vị khách nước ngoài về bức tượng đài mà họ đang chụp ảnh hay chiêm ngưỡng. Không đếm và cũng không muốn đếm, vì rõ ràng những con số không có quá nhiều ý nghĩa, điều thực sự tuyệt vời hơn hết thảy mọi thứ là cái mà chúng tôi nhận được qua mỗi lần như thế. Trở về sau 1 đợt tình nguyện, người lâu không gặp nóichúng tôi đen đi, gầy đi nhưng họ chưa biết chúng tôi cũng đã cứng cỏi và trưởng thành hơn rất nhiều.Chúng tôi học được cái mình suy nghĩ và cái mình đối diện là hai điều xa vời. Bạn có thể nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể làm tốt bất cứ điều gì, hãy chỉ nghĩ thôi và đừng hãnh diện với điều đó vì khi đối mặt với hiện thực, những gì bạn nghĩ chỉ giống như thứ bong bóng phập phồng có thể nổ ngay bất cứ lúc nào.Tôi đã nghĩ rằng mình có thể diễn đạt một cách trôi chảy về những di tích,thắng cảnh mà khách du lịch yêu cầu, nhưng khi đối diện với họ, tôi hoàn toàn bị mất phương hướng,cảm giác lo lắng, căng thẳng khiến tôi không nói được gì ra hồn. Tuy nhiên, họ vẫn kiên nhẫn lắng nghe những gì tôi nói, điều này đã giúp tôi cảm thấy thực sự khá hơn rất nhiều vào những buổi kế tiếp, tôi lấy lại được sự tự tin và làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn viên của mình.
2. "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở... Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn"
Đó là những câu thơ tôi đọc được trên "status" của 1 facebook-er sau chuyến đi tình nguyện tại làng cổ Đường Lâm. Không trực tiếp trải nghiệm cùng họ, nhưng những gì họ kể,những điều họ viết trên blog về chuyến hành trình xanh 20 ngày tại đây thật là một kỷ niệm đáng nhớ
Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của Việt Nam được nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia -một trong những địa điểm được chú ý trong kế hoạch:"Tuyên truyền lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long". Đội tình nguyện gồm 23 sinh viên đến từ 4 khoa : Lịch sử, Ngôn ngữ học, Du lịch và Đông phương.Trong đó, đại diện khoa Ngôn ngữ học gồm 4 thành viên đến từ K54 : Nguyễn Văn Trường, Cao Thành Việt, Nguyễn Xuân Mạnh và Trần Thị Quỳnh Trang.
Nếu đặt phép so sánh hai chuyên đi tình nguyện của đội Hoàn Kiếm và đội Đường Lâm, tôi không ngại khẳng định rằng chuyến tình nguyện của chúng tôi nhàn hơn rất nhiều. Từ thành phố tiện nghi đủ đầy, họ đi xuống vùng quê với những lo ngại về sinh hoạt, ăn ở ,v...v..."Đi tình nguyện là phải khổ"- Có nhiều người nói câu đấy. Mà nếu vậy thì mới đúng "chất" của "tình nguyện". Nhưng có vẻ như không ai đề để ý đến điều đó.Những gì họ lưu về trong tim là một chuyến đi vui vẻ, ấn tượng và đáng nhớ.
Một người bạn trong lớp tôi, cũng tham gia chuyến đi tình nguyện này. Tuy nhiên, anh chàng này bị nhiễm khuẩn nước trong quá trình sinh hoạt tại đây. Mặt cậu ấy sưng vù và thậm chí còn không dám đến lớp buổi đầu - tất nhiên - sau đó, vẫn phải lò dò đến nhưng lại đeo khẩu trang kín mặt.Thật là buồn cười mỗi khi nghĩ về chuyện đó. Tuy nhiên, khi tôi hỏi cậu ấy về chuyến đi, cậu ấy vẫn vui vẻ nói :"Lần đầu tiên được khoác chiếc áo xanh tình nguyện, được làm đúng với những gì tớ được trông thấy lúc bé trên tivi, được làm đúng với chữ tình nguyện... Cảm giác hạnh phúc lắm". Khi tiếp tục hỏi về những công việc đã phải làm, cậu ấy vẫn hồn nhiên kể về chuyến đi tuyệt vời này: "Tớ được đi tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, giúp đỡ gia đình chính sách, nhận được sự quan tâm của nhiều người lại càng thấy vui hơn. Nhớ một lần, tớ giúp được một bác nông dân tránh được cái khóa giang đổ vào chân, cảm giác thấy vui lắm! Rồi một hôm tới với đội tình nguyện đi phát cỏ hộ dân làng, trời bỗng nhiên đổ mưa nhưng cả đội vẫn tiếp tục công việc của mình, vừa làm, vừa hát. Cảm giác đời sinh viên nó đẹp thật! Có nhiều cái buồn cười lắm! Lúc bọn tớ về, chị Lan chủ nhà còn khóc, thấy thương lắm! Tớ có chụp mấy kiểu ảnh đây này, về Hà Nội coi lại mà thấy nhớ.Thật sự là tớ nhớ Sơn Tây, về cứ nghe mãi bài hát Nhớ Sơn Tây thôi! Hôm nào có dịp, tớ sẽ hát cho các cậu nghe bài này !..."
3.Mê Linh - Những sắc xanh rực rỡ
Đội tình nguyện trường Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội về làm việc trên địa bàn huyện Mê Linh đã được huyện đoàn cử xuống tham gia hoạt động trên địa bàn 2 thị trấn : thị trấn Quang Minh và thị trấn Chi Đông. Đây là 2 thị trấn thuộc vùng công nghiệp mới mở, nền tảng kinh tế-xã hội mang tính chất bán công nghiệp.Đội tình nguyện gồm có 24 đồng chí đến từ 4 liên chi đoàn : Quốc Tế học, Đông Phương học, Ngôn ngữ học, Lịch sử. Xét trong 3 đội tình nguyện tại 3 khu vực thì đây có lẽ là đội tình nguyện mà các sinh viên khoa Ngôn ngữ tham gia nhiều nhất-10 sinh viên: Đặng Thị Lan, Vũ Thị Huế, Cao Ngọc Quý, Nguyễn Thị Nguyệt, Dương Thị Mai, Nguyễn Thị Lại, Nguyễn Thị Hiền, Mai Thị Ly, Trương Thị Phương và Lương Gia Trường
Có thể nói, trong suốt quá trình hoạt động tại địa phương, Đội đã làm được khá nhiều việc, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng lãnh đạo cũng như nhân dân địa phương. Cụ thể :
Thứ nhất, Đội đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền lịch sử văn hóa Thăng Long -Hà Nội cho các đối tượng ( trong đó chủ yếu là các em thiếu niên-nhi đồng) Đây là nhiệm vụ chính mang tính trọng tâm vì Đội được Thành Đoàn cử đi với tư cách là Đội tuyên truyền văn hóa Thăng long-Hà Nội
Song song với nhiệm vụ trọng tâm trên, Đội còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội Đoàn thể khác như: thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân dịp ngày Thương binh -Liệt sĩ 27/07,tham gia lao động công ích tại địa phương; tổ chức các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, tham gia cùng các Chi Đoàn tổ dân phố tổ chức sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi; tích cực tham gia các hoạt động giao lưu với Đoàn TN địa phương.
Đặc biệt, Đội đã tham gia vào một hoạt động mang tính thường niên của Đoàn thành niên cả 2 thị trấn, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng cán bộ Đoàn cũng như nhân dân ở đây. Đó là việc tham gia vào 2 trại hề cho thanh thiếu niên tại lần lượt tại thị trấn : Quang Minh ( 06-07/08/2010) và Chi Đông ( 07-08/08/2010).
Dường như chuyến tình nguyện lần này với các SVTN của trường ĐH KHXH&NV tại Mê Linh là một hành trình 20 ngày đầy ý nghĩa và lắm kỷ niệm.Các bạn ấy đã rút được những kinh nghiệm vô cùng quý giá: trong bất cứ công việc gì, sự đoàn kết cũng phải được đặt lên hàng đầu.Có sự đồng lòng,chung sức thì công việc chung mới có thể thành công, suôn sẻ được.Thứ hai, họ biết được rằng khi khoác trên vai màu áo xanh tình nguyên thiêng liêng, họ luôn phải ý thức được về sức mạnh cũng như những khát khao cống hiến của tuổi trẻ.
Bất cứ điều gì cũng có sự khởi đầu và kết thúc. Chúng tôi -dù muốn hay không- cũng vẫn phải kết thúc chuyến hành trình xanh này để tập trung cho năm học mới hay những chuyến hành trình khác. Dù đã kết thúc nhưng những ấn tượng, những kỷ niệm, những con người ấy vẫn sẽ còn mãi trong tâm trí mỗi chúng tôi. Chúng tôi thực sự đã có một chuyến hành trình đầy ý nghĩa: được mang khát khao cống hiến ra làm việc cho nhân dân, được cùng nhau trải nghiệm những thứ mới mẻ, thú vị và đáng nhớ,được lớn lên, rắn rỏi qua mỗi ngày, được biết rằng :"Tình nguyện là những ngày tràn ngập nụ cười. Là lo lắng khi trong đoàn có bạn ốm.Là nước mắt trong ngày chia tay, là lời hứa sẽ quay lại.Là tình yêu đất nước từ những gì thân quen, từ những tình cảm bình dị,thân thuộc và gần gũi.....Tình nguyện là nỗi nhớ. Ở Hà Nội thì nhớ nhà, đi tình nguyện thì nhớ Hà Nội và về nhà lại nhớ tình nguyện. Lúc nào trong tim cũng thường trực một nỗi nhớ thật vu vơ...". Một mùa hè đã qua, nhưng rồi cũng sẽ vẫn có những mùa hè khác..với lòng nhiệt huyết và khát khao cống hiến của tuổi trẻ,chúng tôi rồi cũng sẽ lại gặp nhau, vẫn rạng rỡ trong màu xanh đầy sức sống,miệng mỉm cười và dõng dạc tự tin :" Chào bạn, chúng tôi là những tình nguyện viên”.
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn