GS Nguyễn Tài Cẩn - Người soi rọi ngọn nguồn tiếng Việt Kỳ II: Lội ngược dòng hơn mười thế kỷ
(Dân trí) - Tìm rõ cách đọc chữ Hán ở kinh đô Trường An (Trung Quốc) đời Đường, so sánh với hệ thống ngữ âm tiếng Việt thời ấy, để xác định cội rễ của cách đọc Hán-Việt và những biến đổi qua các thế kỷ sau của cách đọc ấy >> Kỳ I: Những câu hỏi "muôn năm cũ"
Cách đọc Hán - Việt bắt nguồn từ đâu?
Không chỉ các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và Trung Quốc, mà cả giới Đông phương học quốc tế cũng chú ý đến cách đọc Hán-Việt. Bởi vì, muốn nghiên cứu tiếng Hán trung đại, nghiên cứu cách đọc tiếng Hán ở Nhật Bản theo Go-On (Ngô âm) hay theo Kan-On (Hán âm), hoặc cách đọc tiếng Hán ở Triều Tiên theo cách đọc Hán-Triều, đều rất cần sự so sánh, viện dẫn cách đọc Hán-Việt, để rút ra những kiến giải.
Cứ liệu lịch sử cho biết, ngay từ đời nhà Hán, một số Thái thú Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp đã bắt đầu truyền bá văn hóa Hán ở vùng Giao Chỉ, Cửu Chân. Sĩ Nhiếp (187-236 sau CN), Thái thú Giao Châu, mở trường dạy học tại Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh hiện nay), thu hút rất đông sĩ tử, được các sử gia người Việt thời sau suy tôn làm "Nam giao học tổ" (ông tổ việc học đất phương Nam).
Gần đây, đền thờ và lăng mộ Sĩ Nhiếp ở Luy Lâu được Nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
Nhưng phải đến đời Tùy-Đường thì trình độ Hán học ở Giao Châu mới có thể sánh với Trung Nguyên. Khương Công Phụ, người làng Cổ Hiểm, huyện Cửu Chân, Ái Châu (nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đến Trường An (nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây), kinh đô nhà Đường, dự thi Hội, đỗ Tiến sĩ. Ông được Hoàng đế nhà Đường mời lưu lại Trường An, về sau, làm đến chức Tể tướng Trung Hoa, hiện vẫn còn lưu truyền bài phú Bạch vân chiếu xuân hải. Em trai ông là Khương Công Phục làm đến chức Lang trung Bộ Lễ, cũng ở Trường An.
Các nhà Đông phương học hầu như nhất trí cho rằng cách đọc Hán-Việt hiện nay chính là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời Đường (618-907 sau CN) tại kinh đô Trường An, từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán được dạy lần cuối cùng tại Giao Châu trước khi Việt Nam giành được độc lập vào thế kỷ thứ 10.
Từ thế kỷ thứ 10 đến nay, cách đọc Hán-Việt tuân theo quỹ đạo phát triển của tiếng Việt, không còn lệ thuộc vào những gì biến đổi trong ngữ âm tiếng Hán ở bên kia biên giới. Nhiều thế kỷ trôi qua, hai cách đọc chữ Hán của người Hán và của người Việt ngày càng khác xa nhau, đến mức một người uyên thâm Hán ngữ như Phan Bội Châu khi gặp Lương Khải Siêu ở Trung Quốc, chỉ có thể... bút đàm!
Lớp từ Hán-Việt ngày càng lọt sâu vào kho từ vựng tiếng Việt, những nét xa lạ về mặt ngữ âm mất dần và rồi trở thành một bộ phận khăng khít - chứ không phải được "cấy ghép" - của hệ thống Việt ngữ.
Kiến giải riêng từ hàng vạn trang sách
Trên đây, để cho dễ lĩnh hội, tôi đã tóm lược những kết luận cuối cùng. Tất nhiên, trước khi đi đến những kết luận như thế, Nguyễn Tài Cẩn phải bỏ ra biết bao công sức! Chẳng hạn, nói rằng cách đọc Hán-Việt hiện nay là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời nhà Đường ở Trường An, vậy thì, vào đời ấy, người Trung Hoa ở kinh đô của họ đọc chữ Hán ra sao? Tiếng Hán đời ấy có những phụ âm, những vần và những thanh điệu nào? Nếu sử dụng cách phiên âm quốc tế hiện nay để ghi lại, thì phải dùng những ký hiệu nào? Nhà khoa học không thể "phán" nếu thiếu luận cứ.
Và nữa, cách đọc chữ Hán của người Việt hồi thế kỷ thứ 8-9 là như thế nào? Gồm những phụ âm, những vần và những thanh điệu nào? Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 20, cách đọc Hán-Việt đã biến đổi ra sao?
Để trả lời những câu hỏi ấy, phải sử dụng những phương pháp hiện đại của ngữ âm học lịch sử mà, nếu trình bày trong bài báo này, thì sẽ đi quá sâu vào học thuật, sẽ phải sử dụng nhiều biểu bảng, nhiều chữ Hán, chữ Nôm, chữ Anh, chữ Pháp, chữ Nga, nhiều ký hiệu phiên âm quốc tế, rất khó in trên báo chí phổ thông và gây "đau đầu nhức óc" cho bạn đọc không chuyên.
H. Maspéro đã viết bằng tiếng Pháp cuốn Tiếng địa phương Trường An đời Đường (Le dialecte de Tchang-an sous les Tang). B. Karlgren cũng viết bằng tiếng Pháp cuốn Khảo sát âm vị học tiếng Hán (études sur la phonologie chinoise). Đặc biệt, cuốn Thiết vận của nhóm Lục Pháp Ngôn ở Trường An đầu thế kỷ thứ 7 là tài liệu tham khảo quan trọng đối với Nguyễn Tài Cẩn.
Đọc hàng vạn trang sách bằng các thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật... về vấn đề liên quan, đưa ra thêm những luận cứ mới, những kiến giải riêng, Nguyễn Tài Cẩn đã soi rọi đến tận ngọn nguồn cách đọc Hán-Việt, một cách đọc đã giúp người Việt Nam dễ dàng tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa Hán - một trong hai nền văn hóa lớn nhất phương Đông - mà không bị "Hán hóa".
TS Nguyễn Tài Cẩn trong những năm làm việc tại Đại học Tổng hợp Leningrad (Liên Xô cũ)..
"Chao ôi, thầy kỹ tính quá!"
Chiều hôm ấy, trời lâm thâm mưa. Ông Trần Trí Dõi, Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQG Hà Nội) đưa chị Barbara Niedeer đến nhà GS Cẩn ở một ngõ nhỏ bên đường Hoàng Quốc Việt. Dép bê bết bùn, chị Barbara vừa bước vào nhà vừa vội vã nói:
- Em sắp trở lại Paris. Em đã dịch xong cuốn sách của thầy ra tiếng Pháp. Mong thầy cho phép em đưa in bản dịch.
- Cuốn nào thế nhỉ? GS Cẩn hỏi.
- Cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt ạ! Trước kia, em chẳng chú ý mấy đến cuốn sách ấy. Nhưng thầy A. G. Haudricourt "bắt" em đọc! Đọc rồi, em mới cảm thấy hay. Và em quyết định phải dịch. Em nghĩ cuốn sách của thầy sẽ giúp ích nhiều cho các nhà Đông phương học trên thế giới, nếu họ có trong tay bản dịch tiếng Pháp...
Barbara Niedeer viết luận án tiến sĩ về tiếng Hmông-Dao. Chị đã từng sống nửa năm trên bản Hmông cao chót vót. Là người Pháp gốc Thụy Sĩ, chị thông thạo các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, biết cả tiếng Trung Quốc, Việt, Hmông, Dao. Chị hiện làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và là học trò yêu của thầy A. G. Haudricourt, nhà Đông phương học nổi tiếng thế giới.
- Tôi rất cảm ơn cô! Nhưng mong cô thông cảm cho: Gần đây, tôi nghe nói bên Mỹ vừa xuất bản cuốn A Handbook of Old Chinese Phonology (Sách chỉ dẫn về ngữ âm tiếng Hán cổ) của W. H. Baxter, dày tới 900 trang. Tất nhiên, đó là cuốn sách viết về tiếng Hán cổ, nhưng rất có thể có liên quan phần nào đến cách đọc Hán-Việt. Tôi cần tham khảo cuốn sách đó để, nếu cần, thì chỉnh lý đôi chút cuốn sách của mình cho cập nhật. Cô chịu khó chờ một thời gian nhé!
- Chao ôi, thầy kỹ tính quá! - Barbara thất vọng kêu lên.
"Giờ thì mình hết băn khoăn"
Tháng 11/2001, tôi gặp lại GS Nguyễn Tài Cẩn tại Hà Nội sau một thời gian dài ông sống và làm việc cùng vợ tại Matxcơva. Vợ ông, GS N. V. Stankyevich, là một nhà ngôn ngữ học người Nga chuyên nghiên cứu tiếng Việt và tiếng Hán. Trước kia, bà sống và làm việc tại Việt Nam. Sau khi về hưu, do sức khỏe kém, bà trở về Nga. GS Cẩn theo vợ về bên ấy để tiện cho các con chăm sóc.
Thấy tôi đến thăm, GS Cẩn đưa cho xem bản in thử cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt sắp tái bản. Phải nói rằng việc xử lý trên máy tính bản thảo cuốn sách này thật... quá ư phiền toái! Trong một câu văn, thường có cả chữ Quốc ngữ, chữ Hán (phồn thể) và ký hiệu phiên âm quốc tế. Rồi, để cho dễ tra cứu, phải giữ nguyên dạng chữ Pháp, chữ Anh, chữ Đức, chữ Nga... ít ai dám nhận việc sửa bản in thử, ngoài tác giả!
- Chắc bây giờ anh vui lòng để chị Barbara Niedeer đưa in bản dịch tiếng Pháp cuốn sách này rồi chứ? - Tôi hỏi.
- Vừa rồi, mình đã đọc kỹ cuốn Sách chỉ dẫn ngữ âm tiếng Hán cổ của W. H. Baxter. Rồi đọc cả cuốn Phục nguyên hệ thống ngữ âm tiếng Hán cổ của nhà bác học Nga S. A. Starostin. Hai ông đưa ra một số luận điểm về ngữ âm tiếng Hán cổ mà mình rất thích. S. A. Starostin ghi là đã tham khảo sách của mình. W. H. Baxter cũng chủ trương Thiết vận có 8 nguyên âm như trong sách của mình. Giờ thì mình hết băn khoăn...
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn