TS. Lê Thị Bích Thuỷ (giảng viên tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN) là một trong những NCS có kết quả học tập xuất sắc và được nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN ngày 26/3 vừa qua, TS. Lê Thị Bích Thuỷ chia sẻ với trang thông tin điện tử USSH niềm vui, những thành quà nghiên cứu và những bài học quý giá mà chị gặt hái được trong suốt quá trình học NCS.
Chuyên ngành tôi đã lựa chọn để học nghiên cứu sinh và hiện vẫn theo đuổi là Ngôn ngữ học so sánh-đối chiếu. Mục tiêu đầu tiên của Chương trình đào tạo Tiến sĩ Chuyên ngành Ngôn ngữ học so sánh-đối chiếu là “cung cấp cho nghiên cứu sinh kiến thức nâng cao và chuyên sâu về ngôn ngữ học, đặc biệt là ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu và các lĩnh vực liên quan đến liên ngữ, liên văn hóa, phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và quản lí về ngôn ngữ học liên ngữ và liên văn hóa” . Mục tiêu đó phù hợp với mong muốn của tôi là mở rộng kiến thức về ngôn ngữ học so sánh-đối chiếu để từ đó có thể tiến hành nghiên cứu độc lập trên hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Đức. Hiện tại tôi đang giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Tiếng Đức là ngôn ngữ được sử dụng để dạy, nên tôi hiểu khá rõ về ngôn ngữ này. Chính vì vậy, tôi muốn tận dụng thế mạnh của mình là sự hiểu biết về tiếng Đức vào trong hoạt động nghiên cứu. Và chỉ có Chuyên ngành Ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu mới giúp tôi thỏa mãn được nhu cầu cũng như khai thác được tiềm năng sẵn có của mình.
Đề tài luận án của tôi liên quan tới phương thức dịch hàm ý trong câu hỏi tiếng Đức. Như vậy, đề tài vừa liên quan tới ngôn ngữ học (hàm ý và câu hỏi), vừa liên quan tới dịch thuật (phương thức dịch). Sau khi hoàn thành luận án, tôi thu nhận được khá nhiều kiến thức trong các lĩnh vực trên.
Đề tài luận án của tôi là “Nghiên cứu phương thức chuyển dịch hàm ý từ câu hỏi tiếng Đức sang tiếng Việt” thông qua việc xem xét bản dịch “Bà lớn về thăm” và “Bà tỷ phú về thăm quê” của hai dịch giả Phạm Thị Hoài và Lê Chu Cầu. Nghiên cứu của tôi chủ yếu hướng tới việc xác định những phương thức cụ thể đã được áp dụng để truyền tải hàm ý trong câu hỏi từ tiếng Đức sang tiếng nhằm giải quyết những khó khăn trong công tác dịch thuật, đặc biệt là dịch văn học Đức - Việt, cũng như nâng cao hiệu quả dạy - học các học phần liên quan tới lĩnh vực Dịch thuật. Kết quả nghiên cứu của luận án là các phương thức đã được hai dịch giả sử dụng để chuyển dịch hàm ý quy ước và hàm ý hội thoại trong câu hỏi tiếng Đức sang tiếng Việt và đánh giá phương thức chuyển dịch hàm ý từ câu hỏi tiếng Đức sang tiếng Việt.
Mục tiêu chính của đề tài là tìm ra được các phương thức đã được các dịch giả sử dụng để chuyển hàm ý có trong câu hỏi từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Để tìm ra được và gọi tên các phương thức đó, tôi đã trăn trở và “mò mẫm” rất lâu. Nhưng sau khi đã “chỉ mặt, đặt tên” cho các phương thức đó, tôi thấy khá tâm đắc vì chúng thực sự giúp ích cho công việc giảng dạy của tôi liên quan tới các môn học về Dịch thuật.
Hội thảo quốc tế dành cho NCS, học viên Cao học và cán bộ trẻ TẠI ĐÂY
Sau khi hoàn thành quá trình học nghiên cứu sinh, tôi thấy mình trưởng thành rất nhiều về tư duy khoa học và tôi cũng có thêm niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Điều đó giúp ích cho công việc của tôi ở Khoa, cụ thể là viết các bài báo có chất lượng hơn, có thể hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tốt hơn và đặc biệt là truyền thêm cảm hứng cho các giảng viên trẻ hơn cũng như sinh viên để họ “dấn thân” vào con đường khó khăn nhưng cũng rất thú vị này. Ngoài ra, tôi rèn luyện được tính kỷ luật, sự quyết tâm theo đuổi mục tiêu mình đã đặt ra và dám đương đầu với thách thức, kiên định đi theo lựa chọn của mình.
Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Địa chỉ: Tầng 3 (P.301-307) Nhà A - 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3 5588 603 - Fax: (84-4) 3 8587 202
Email: ngonnguhoc@ussh.edu.vn